Làm móng bằng gel sẽ khô ngay lập tức và giữ lâu đến một tháng – hơn hẳn so với các loại sơn móng thông thường. Tuy nhiên, những lời quảng cáo bóng bẩy đó đang cố che đi nhiều rủi ro đáng sợ đến từ việc làm móng gel, chẳng hạn như nhiễm trùng, lão hóa và ung thư da.
Bác sĩ da liễu Chris Adigun, làm việc tại Chapel Hill, Bắc Carolina, người viết hướng dẫn cho Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, chia sẻ với DailyMail: "Các nghiên cứu về việc làm móng gel khá ít, thường là nghiên cứu về các kĩ thuật làm móng khác nhau giữa các salon. Nhưng chúng tôi có đủ cơ sở để cho rằng, làm móng gel ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Một số biện pháp phòng ngừa đã được đưa ra bàn luận để bạn có thể bảo vệ chính mình."
Những rủi ro đến từ việc làm móng bằng gel
Khi làm móng bằng gel, phần gel sẽ được làm khô bằng cách sử dụng đèn LED phát ra tia UVA. Trong khi tia UVB có thể khiến bạn bị bỏng (như ánh nắng từ mặt trời), thì UVA sẽ gây ra lão hóa, tổn thương và ung thư da.
Tháo móng gel cũng là một vấn đề nan giải. Acetone thường được sử dụng để loại bỏ lớp gel cũ trên móng. Nhưng chúng sẽ ảnh hưởng tới cả phần móng tự nhiên của bạn nữa.
Bác sĩ Adigun khuyên bạn không nên tự bóc gel bằng tay. "Nhiều bệnh nhân của tôi đã bị lột hết phần móng tay. Họ không biết rằng họ đã tháo toàn bộ phần móng kèm với gel, vì gel thực sự dính rất chắc."
Những ai có nguy cơ mắc ung thư da cao nhất khi làm móng gel?
Điều này vẫn chưa được chắc chắn, nhưng có một số yếu tố trung gian sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư da khi làm móng gel.
- Di truyền, sắc tố da, lịch sử sức khỏe,... đóng vai trò quan trọng, tăng nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn hẳn.
- Thuốc nào cũng có tác dụng phụ, và một trong số đó là ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da, khiến nó không tự bảo vệ trước tia UVA.
- Một số loại hóa trị hoặc kháng sinh cũng dễ khiến bạn bị ảnh hưởng từ tia UVA hơn.
Tiền sĩ Joshua Zeichner – bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai, New York – cho biết, những người thường xuyên làm móng gel nên tận dụng tuổi thọ của loại móng gel này. Vì chúng có thể kéo dài suốt nhiều tuần, do đó bạn chỉ nên làm lại móng mỗi tháng một lần để móng tay có đủ thời gian phục hồi.
Phương pháp bảo vệ
Khi làm móng gel, bạn hoàn toàn có thể tự bảo vệ bản thân bằng nhiều cách. Phổ biến nhất là sử dụng găng tay hoặc kem chống nắng. Bác sĩ Adigun khuyên bạn nên sử dụng găng tay.
"Bạn thực sự nên che da tay đi, không cần biết đó là găng tay, khăn quàng cổ hay bất cứ thứ gì. Chỉ cần nó có khả năng chống lại tia UV." Cô cũng cho hay, việc sử dụng kem chống nắng mang đến nhiều bất tiện hơn bạn tưởng.
Đầu tiên, kem chống nắng chỉ có tác dụng hiệu quả sau 20 phút, và không ai sẽ thoa kem chống nắng và đợi từng đó thời gian cả.
Thứ hai, trong quá trình làm móng gel, bạn sẽ được mát xa tay hoặc cắt lớp biểu bì, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến lượng kem chống nắng đã được thoa, thậm chí là xóa sạch chúng đi.
Cuối cùng, và có lẽ cũng quan trọng nhất: kem chống nắng đôi khi không có hiệu quả dưới ánh đèn LED. Bác sĩ Adigun giải thích: "Các loại kem chống nắng trên thị trường đã được thử nghiệm dưới các tia tương tự như ánh sáng phát ra từ mặt trời. Nhưng mức UVA phát ra từ đèn LED sẽ cao hơn nhiều so với mặt trời, nên chúng tôi không biết trong trường hợp này kem chống nắng có còn hiệu quả hay không."
Bác sĩ Zeichner cũng khuyên dùng găng tay hoặc các vật che chắn khác, nhưng ông không hề bác bỏ ý tưởng sử dụng kem chống nắng. Ông cho rằng, những ai người theo "trường phái kem chống nắng" có thể trao đổi với thợ để họ giữ nguyên lớp kem trên da tay bạn khi làm móng. Và hãy sử dụng kem chống nắng SPF phổ rộng cho cả móng tay và vùng da quanh móng để chống lại tia UVA.
Nguồn Bài Viết: eva.vn/suc-khoe/kieu-lam-mong-nhieu-chi-em-yeu-thich-co-nguy-co-khien-ban-mac-phai-ung-thu-da-c131a392859.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét