Bệnh nhân nằm điều trị tại khoa tia xạ Bệnh viện K trung ương (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Với khoản tiền chênh lệch hàng trăm triệu đồng giữa việc mua biệt dược gốc với thuốc trúng thầu, nhiều bệnh nhân không có đủ tiền để sử dụng biệt dược gốc và phải dừng điều trị. Việc gián đoạn điều trị này sẽ dẫn tới hậu quả là các bệnh nhân đang sử dụng giữa chừng bị mất đi toàn bộ chi phí điều trị trước đó mà không mang lại kết quả
Một chuyên gia y tế
Hai loại thuốc generic điều trị ung thư, vừa trúng thầu trong cuộc đấu thầu thuốc quốc gia cho các tỉnh khu vực phía Bắc là Podoxred 500mg - trúng thầu với giá trên 2,6 triệu đồng/lọ và Pemehope 100mg - trúng thầu với giá trên 880.000 đồng/lọ những tưởng đem lại hi vọng cho người bệnh.
Nhiều bệnh viện ở khu vực phía Bắc cũng đã hết thuốc, nhưng gọi công ty dược trúng thầu thì nhà cung cấp nói 2-4 tháng nữa mới có, người muốn tiếp tục điều trị phải mua biệt dược gốc giá cao gấp 5 lần.
Hết thuốc, người bệnh gặp khó
Theo thông tin từ Bệnh viện K, do bệnh viện có nhu cầu sử dụng ngay một số mặt hàng, trong đó có thuốc chứa hoạt chất Pemetrexed, nên đã liên lạc với nhà thầu là Liên danh Codupha - An Thiên (trúng thầu mặt hàng Pemehope 100mg) và Công ty TNHH dược phẩm và trang thiết bị y tế Hoàng Đức (trúng thầu mặt hàng Podoxred 500mg) để lên kế hoạch nhập thuốc, nhưng nhà thầu thông báo chỉ có thể cung ứng sau... 2 - 4 tháng nữa.
Hiện bệnh viện không còn các loại thuốc này. Trong các thuốc có chứa hoạt chất Pemetrexed cần sử dụng cho bệnh nhân, bệnh viện hiện chỉ có biệt dược gốc (tên là Alimta) để điều trị nhưng giá thành cao, bảo hiểm y tế chỉ thanh toán 50%.
Do biệt dược gốc Alimta 500mg giá trúng thầu lên tới trên 24 triệu đồng/lọ, Alimta 100mg giá gần 5,7 triệu đồng/lọ, so sánh với thuốc generic trúng thầu (hiện đang hết hàng), nhiều người bệnh không thể chi trả tiếp liệu trình.
Chênh nhau hàng trăm triệu đồng
Cụ thể trong phác đồ điều trị ung thư phổi thì liệu trình điều trị ít nhất 6 chu kỳ, liều trung bình 800mg/chu kỳ.
Một chuyên gia về điều trị ung thư phổi cho biết nếu sử dụng điều trị bằng biệt dược gốc, bệnh nhân phải đồng chi trả số tiền là khoảng 20 triệu đồng/chu kỳ (mỗi bệnh nhân 6 chu kỳ), tổng 6 chu kỳ là 120 triệu đồng, trong khi nếu điều trị bằng thuốc generic bệnh nhân chỉ phải đồng chi trả số tiền là 2,6 triệu đồng/chu kỳ, tương đương 15,6 triệu đồng tổng cộng cả 6 chu kỳ.
Như vậy, số tiền bệnh nhân phải đồng chi trả chênh lệch giữa sử dụng biệt dược gốc và thuốc generic là khoảng 104,4 triệu đồng.
"Với khoản tiền chênh lệch như vậy, nhiều bệnh nhân không có đủ tiền để sử dụng biệt dược gốc và phải dừng điều trị. Việc gián đoạn điều trị này sẽ dẫn tới hậu quả là các bệnh nhân đang sử dụng giữa chừng bị mất đi toàn bộ chi phí điều trị trước đó mà không mang lại kết quả" - chuyên gia kể trên cho biết.
Đấu thầu quốc gia, lợi thì có lợi, nhưng...
Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) vừa có báo cáo cho hay: các đợt mua sắm thuốc tập trung từ năm 2017 đến nay đã giúp các thuốc mua sắm tập trung giảm giá hàng trăm tỉ đồng so với giá thuốc cùng loại mua trong đợt mua sắm năm liền kề trước đó.
Cụ thể các gói mua sắm thuốc generic, thuốc kháng virút cho bệnh nhân HIV, biệt dược, đàm phán giá các thuốc đang độc quyền, thuốc hiếm... từ năm 2017 đến nay tổng tiền mua các thuốc được mua sắm tập trung đã giảm được xấp xỉ 1.300 tỉ đồng.
Trong báo cáo do giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia Nguyễn Trí Dũng ký cho hay qua thực hiện mua sắm tập trung, ưu điểm giảm giá thuốc là rất rõ, nhưng cũng có tình trạng đơn vị trúng thầu không cung ứng đủ thuốc do số lượng trúng thầu quá lớn, xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị...
Để giải quyết tình trạng này, ông Dũng đề nghị với các gói thầu tập trung cấp quốc gia, nên chọn danh sách các nhà thầu đạt yêu cầu để ký thỏa thuận chung, trong đó nhà thầu xếp hạng 1 được cung ứng 50% gói thầu, nhà thầu kế tiếp được cung ứng 10-30% gói thầu.
Trung tâm này cũng đề nghị tiến tới thí điểm thực hiện đấu thầu tập trung với một số vật tư y tế, mở rộng danh mục thuốc thuộc diện đàm phán giá (bao gồm các biệt dược có số lượng sử dụng lớn, đang được bảo hộ sở hữu trí tuệ và hết thời hạn bảo hộ, kể cả thuốc được và không được bảo hiểm y tế thanh toán).
Khó cho bệnh nhân đang điều trị
Sáng 8-5, đã có 4 bệnh nhân ung thư phổi đến hạn điều trị cần thuốc nhưng bệnh viện không có. "Vì thuốc đã trúng thầu quốc gia nên chúng tôi không thể mua được ở đâu, mà chỉ có biệt dược, nhưng biệt dược giá lại cao quá, nhiều bệnh nhân không có khả năng. Đáng tiếc nhất là những bệnh nhân đã điều trị được 2-3 đợt, nay hết thuốc phải ngưng hoặc đổi thuốc, rất khó khăn cho họ" - một bác sĩ cho biết.
Nguồn Bài Viết: tuoitre.vn/benh-nhan-ung-thu-mua-thuoc-gia-gap-5-lan-do-thieu-thuoc-2019050820515577.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét